Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) Truyền thống lịch sử và văn hóa
1.
Thân thế, sự nghiệp củaThái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576)
Nguyễn Cảnh Hoan là tướng nhà Lê Trung ưng
trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Cảnh Hoan tước Tấn Quận công, giữ chức Binh bộ
Thượng thư, hàm Thái phó về sau được tấn phong Quốc công. Cha của ông là Phúc Khánh Quận Công Nguyễn Cảnh
Huy người làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mẹ là người họ Thái
xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương
Thời kỳ Trung hưng nhà Lê, vùng Thanh –
Nghệ trộm cướp và giặc giã nổi lên như ong. Cha con ông Nguyễn Cảnh Hoan lập đồn
trại, chiêu mộ quân sỹ và khởi binh tại thôn Chiêu Quả cùng núi Thanh Chương,
tiểu trừ các sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần các thể lự đối địch. Năm 1536
cha con ông mang quân sĩ đến Sầm Châu theo Lê Trang Tông và được trọng dụng.
Ông lần lượt được phong làm Thái bảo, Thái phó, Binh bộ thượng thư.
Vào giữa thời
kì phân tranh, quân hai bên đang ở thế giằng co, Nguyễn Cảnh Hoan bị tướng nhà
Mạc là Nguyễn Quyện dùng phục binh bắt được đem về Thăng Long và giết chết. Triều
đình nhà Lê truy phong ông là Tấn quốc công, và phong là Hùng Nghị Khuông Tế Trạch
Dân Đại Vương, xếp vào trung đẳng thần, cúng tế và hương hỏa hàng năm. Ban thêm
đất vùng Ngọc Sơn, Nông Sơn, Hồ Sơn thuộc vùng Nam Đường làm
thái ấp. Về sau con cháu nhiều người làm tướng có nhiều công tích, ngoài hai
huyện Nam Đường, Chân Phúc, được cấp thêm
hai huyện Thanh Miện và Phù Dung làm bổng lộc.
Trong thời kì
đem quân vào ứng cứu Nghệ An, Ông Nguyễn Cảnh Hoan và các tùy tướng đóng đại bản
doanh, xây hào lũy khu vực Nam Đường, vỗ về dân chúng ở đây. Vùng Lưu Sơn, Đô
Lương được ông hướng dẫn cho cách ép mía làm mật, dân cư ven sông Lam nghề nuôi
tằm dệt vải, cho bắc nhiều cầu trên sông Đa Cương.
Sắc chỉ triều
đình nhà Lê lập đền thờ chính của ông ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Văn, huyện
Thanh Chương.
Năm 1602, đền
thờ ông được xây dựng quy mô ở xã Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Năm 1787 được
trùng tu, Năm 1895 xây thêm trung điện và nhà bia. Định kì mười năm tổ chức lễ
chay một lần, là lễ hội lớn của vùng Nghệ An. Năm 1991, đền thờ được công nhận
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Vùng Nghệ An
có nhiều đền thờ ông, ngoài nơi thờ tự chính ở Tràng Sơn còn có đền Phú Thọ ở
xã Lưu Sơn huyện Đô Lương,
đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn huyện Thanh Chương, đền thờ tại
Hồ Nón, huyện Nam Đàn...
Phần mộ của
ông hiện nay thuộc Rú Cấm xã Tràng Sơn huyện Đô Lương.
Phần mộ của
Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại Rú Cấm, xã Tràng Sơn, huyện Đô
Lương, tỉnh Nghệ An.
2.
Giá trị văn hóa, tinh thần của Đại lễ hội “Thập Niên Sự Lệ”
Do lập được nhiều công trạng lớn nên năm
1602 Triều Đình Phong kiến đã ban đất cho xây dựng Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan tại
xóm Tràng Thịnh xã Tràng Sơn - Đô Lương - Nghệ An. Năm 1662 Triều Đình cử một vị
Quốc sư về Tràng Sơn cùng Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Hiệu trùng tu Đền thờ. Nhà
sư đã cảm nhận được hoàn cảnh nhân gian ở đây nên đã trình tấu lên Triều Đình
xin giảm Lễ thường niên 1 năm 1 lần sang 10 năm 1 lần để tiết kiệm, với quy mô
Quốc Lễ có đại diện Triều Đình về Đền dự lễ do chính quyền đứng ra tổ chức. Như
vậy Thập Niên Sự Lệ ra đời từ 1664 - đến năm Giáp Thìn 2024 là tròn 360 năm.
Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan được phối thờ 4 vị
Công Thần tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Cảnh: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh
Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế (4 đời trực hệ).
Đền thờ
Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại
xã Tràng Sơn,
huyện Đô
Lương, tỉnh Nghệ An.
Lễ hội được khai mạc vào ngày 13/03 âm lịch.
Các đền thờ họ Nguyễn Cảnh toàn Nghệ An sẽ được mở cửa cho du khách và con cháu
đến làm lễ dâng hương, cáo yết xin các Thánh tiên tổ cho rước bài vị về các đền
thờ lớn. Nhiều đoàn rước chạ nhân danh các tước Công, Hầu, Bá , Tử, Nam của
dòng họ Nguyễn Cảnh cũng được diễu hành. Trong Lễ hội có đám rước hoành tráng với
đội hình truyền thống: Võ lệnh đi trước mở đường, cờ phướn giương oai, voi ngựa
đốc chiến, kiệu Thánh ngự lồng lộn oai linh Thái phó Tấn Quốc công cùng đội
hình giương cao binh khí mang đậm tính truyền thống “ Trung cần nhân nghĩa, Bảo
quốc hộ dân”
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) đã góp phần làm phong phú
đời sống Văn hóa tinh thần cho nhân dân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về
đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa,
truyền thống ở địa phương. Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) là dịp
giao lưu văn hóa giữa các địa phương, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh
của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Tựu trung lại, Đại lễ Thập niên sự lệ đã có những đóng góp không nhỏ
trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh của con người
Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh nói riêng
3. Đại Lễ “Thập Niên Sự Lệ” năm
2024
Theo kế hoạch,
lễ hội được diễn ra 03 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3
năm Giáp Thìn). Nội dung gồm: cổ lễ,
tân lễ; Phần hội:chương trình đêm thơ “ Nguyễn Cảnh thi tập” (đêm ngày 13 tháng 3 năm Giáp
Thìn) và Chương trình văn nghệ “Sáng
mãi bài ca truyền thống”(đêm ngày 14 tháng 3 năm Giáp Thìn); Các hoạt động thể
thao: Tổ chức giải bóng chuyền nữ, kéo co nam. Giao lưu bóng chuyền nam, bóng
chuyền nữ, bóng đá nam biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, võ thuật, …
Việc tổ chức lễ hội lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) là một
lễ hội giàu bản sắc, mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, thông qua lễ hội
góp phần bảo tồn, phát huy những phong tục, tập quán cổ truyền tốt đẹp và xây dựng
nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội. Đặc biệt lễ hội năm 2024 tại lễ hội sẽ
có Lễ công bố Quyết định lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật
thể Quốc gia.
Bên cạnh đó việc tổ chức lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ)
nhằm góp phần giới thiệu rộng rãi với bạn bè trong và ngoài tỉnh về tiềm năng
kinh tế, văn hóa của huyện Đô Lương, địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa gắn
liền với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Thông qua đó kêu gọi đầu tư để phát
triển kinh tế, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện
Đô Lương.
Phan Thị Hương
( Trong bài viết có sử dụng các thông
tin từ Kỷ yếu Đại lễ hội “ Thập niên sự lệ” Giáp Ngọ - 2014, Di sản dòng họ
Nguyễn Cảnh truyền thống 600 năm lịch sử và Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu Ký)